Áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới

|

Áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu phát triển với tốc độ chậm, xu hướng bảo hộ lại ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nhiều quốc gia tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với nhiều hình thức. Trong đó, phổ biến nhất là biện pháp áp thuế quan với 03 công cụ phòng vệ thương mại được các nước thường xuyên sử dụng, gồm: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
 
Chống bán phá - Biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng nhiều nhất trên thế giới
 
Bán phá giá là hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài đối với các nhà sản xuất của nước nhập khẩu. Vì vậy, theo Hiệp định chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các thành viên có thể áp dụng các biện pháp để khắc phục thiệt hại do hàng nhập khẩu bán phá giá gây ra cho ngành sản xuất trong nước của họ. Biện pháp này có thể thực thi sau khi thành viên nhập khẩu liên quan tiến hành điều tra và đi đến kết luận có hiện tượng bán phá giá. Tính đến thời điểm hiện tại, chống bán phá giá là biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
 
Theo báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), từ năm 1995 đến hết tháng 6 năm 2023, các quốc gia trên thế giới đã tiến hành điều tra 6.658 vụ việc chống bán phá giá. Giai đoạn từ năm 2012-2020, số vụ việc điều tra chống bán phá giá bùng nổ mạnh mẽ, đạt mốc 355 vụ việc điều tra trong năm 2020. Năm 2021 và 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo theo trao đổi thương mại toàn cầu giảm, số lượng các vụ việc điều tra chống bán phá giá có xu hướng giảm, với lần lượt là 186 và 89 vụ việc. Tuy nhiên, cùng với sự phục hồi của thương mại toàn cầu trong năm 2023, số lượng các vụ việc điều tra chống bán phá giá có xu hướng tăng lên. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 76 vụ việc điều tra mới được ghi nhận (một vụ việc điều tra có thể kéo dài từ 12 đến 18 tháng nên các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng không nhất thiết là kết quả của việc khởi xướng các cuộc điều tra trong cùng giai đoạn).

 Để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nhiều quốc gia tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ
thương mại với nhiều hình thức

 
Kể từ năm 2020 đến nay, Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều biện pháp chống bán phá giá còn hiệu lực nhất trên thế giới (583 biện pháp, chiếm khoảng 20,8% tổng số biện pháp chống bán phá giá có hiệu lực), đứng thứ hai là Ấn Độ với 491 biện pháp, chiếm tỉ lệ 17,5% tổng số biện pháp, Bra-xin đứng thứ ba (chiếm 6,6%), tiếp theo trong nhóm 5 quốc gia còn duy trì nhiều biện pháp nhất là Ác-hen-ti-na và Thổ Nhĩ Kỳ (lần lượt là 5,3% và 5,6%), Liên minh Châu Âu đứng thứ 6 với 137 biện pháp, tương ứng với 4,9% tổng số biện pháp, còn lại là các quốc gia khác như Trung Quốc, Mê-hi-cô, Ca-na-đa, Pa-ki-xtan…
 
Cũng trong giai đoạn này, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia phát sinh nhiều biện pháp chống bán phá giá nhất với 126 vụ, kế tiếp là Ấn Độ với 73 vụ, Trung Quốc 34 vụ, Ác-hen-ti-na là 33 vụ, Liên minh Châu Âu là 31 vụ, Ca- na-đa là 29 vụ, Nam Phi là 19 vụ và các quốc gia khác trong tổng số 437 vụ việc.
 
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc là đối tượng bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá nhiều nhất (911 biện pháp, chiếm 32,5% tổng số vụ việc), thứ hai là Hàn Quốc (196 biện pháp, chiếm 7% tổng số vụ), các nhà xuất khẩu khác như Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Hoa Kỳ, In-đô-nê-xi-a cũng đứng trong nhóm các doanh nghiệp bị áp dụng các biện pháp bán phá giá nhiều nhất. Các doanh nghiệp Việt Nam theo WTO ghi nhận cũng bị áp dụng 90 biện pháp, chiếm 3,2% tổng số vụ việc điều tra. Các nhóm hàng liên quan tới điều tra bán phá giá chủ yếu tập trung ở các sản phẩm công nghiệp khác như kim loại, hóa chất, cao su, nhựa, dệt may, máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng,... và các sản phẩm nông nghiệp như mỡ động vật, cây, rau củ quả.
 
Biện pháp thường được sử dụng đối với ngành hàng bị điều tra và kết luận chống bán phá giá là áp dụng thuế quan. Theo đó, giai đoạn năm 2013-2021 ghi nhận nhiều vụ việc bị áp thuế chống bán phá giá nhất với tổng số 1.498 vụ việc, cao điểm là năm 2021 với 286 vụ việc. Năm 2022, các thành viên WTO áp dụng 107 biện pháp chống bán phá giá, giảm gần 70% tổng số vụ việc của năm 2021. So sánh với số liệu 06 tháng đầu năm 2023, tổng số vụ việc các thành viên WTO áp dụng biện pháp chống bán phá giá tiếp tục giảm còn 55 vụ việc (số liệu cả năm 2023 ghi nhận 60 vụ), giảm gần 50% so tổng số vụ việc năm 2022. Các quốc gia, nước xuất khẩu tham gia nhiều nhất vào các vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá cũng tương tự nhóm tham gia vào các vụ việc điều tra.

Biện pháp chống trợ cấp có xu hướng tăng chậm lại và giảm dần


Giai đoạn năm 2010-2020, số lượng vụ việc khởi xướng liên tục tăng (trừ năm 2012), từ 09 vụ việc lên tới 56 vụ việc vào năm 2020. Đây cũng là giai đoạn mà số lượng vụ việc khởi xướng điều tra biện pháp chống trợ cấp cao nhất kể từ khi thành lập WTO đến nay. Tuy nhiên, từ năm 2021, các vụ việc chống trợ cấp diễn ra theo xu hướng tăng chậm lại và giảm dần. Dựa trên thông báo do các thành viên WTO gửi trong kỳ báo cáo gần nhất, năm 2022, số lượng vụ việc khởi xướng chỉ còn 19 vụ và tính đến năm 2023, chỉ có 10 cuộc điều tra về chống trợ cấp diễn ra.
 
Từ năm 2008 đến năm 2021 là giai đoạn ghi nhận nhiều vụ việc điều tra bị áp dụng biện pháp chống trợ cấp nhiều nhất, đặc biệt các năm như: Năm 2019 (35 vụ việc) và năm 2021 (39 vụ việc). Đến năm 2022-2023, các vụ việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp có xu hướng giảm, lần lượt là 18 và 6 (tương ứng với mức giảm hơn 50% so sánh với các năm liền trước).
 
Các quốc gia xuất khẩu tham gia nhiều nhất vào các vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá cũng tương tự nhóm tham gia vào các vụ việc điều tra. Theo đó, Hoa Kỳ tiếp tục là quốc gia khởi xướng vụ việc điều tra chống trợ cấp nhiều nhất trên thế giới (200 vụ việc, chiếm khoảng 54,8% tổng số vụ việc được khởi xướng); đứng thứ hai là Canada với 39 vụ việc, chiếm tỉ lệ 10,4% tổng số vụ việc được khởi xướng; Liên minh Châu Âu đứng thứ ba (chiếm 8,8% tổng số vụ việc), tiếp theo trong nhóm 5 quốc gia khởi xướng điều tra nhiều nhất là Ấn Độ (8%), Úc (5,6%), Trung Quốc (3,2%). Tỉ lệ các thành viên còn lại trong WTO khởi xướng điều tra về chống trợ cấp chỉ chiếm khoảng 6,4%, tương ứng với 24 vụ việc.
 
Đối với các nước xuất khẩu bị điều tra về chống trợ cấp trong giai đoạn từ năm 2020-2023, Trung Quốc là quốc gia bị kiện nhiều nhất (165 vụ việc, chiếm 43,9% tổng số vụ việc). Đứng thứ hai là Ấn Độ (57 vụ việc, chiếm 15,2% tổng số vụ); các nhà xuất khẩu khác như: Thổ Nhĩ Kỳ (6,1%), Việt Nam (4,5%), In-đô-nê-xi-a (4,3%), Ma-lai-xi-a (3,2%) và Hoa Kỳ (2,9%) cũng đứng trong nhóm các nhà xuất khẩu bị điều tra về chống trợ cấp nhiều nhất. 
 
Số lượng các cuộc điều tra chống trợ cấp do các thành viên G20 khởi xướng tăng đáng kể. Trên cơ sở 12 tháng, số lượng vụ việc khởi xướng trong giai đoạn năm 2020 là 55 vụ việc, giảm và giữ khoảng 18-19 vụ trong năm 2021 và 2022. Đến hết tháng 06/2023, số vụ việc do các nước G20 khởi xướng là 10 vụ (giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2022 với 23 vụ).

Biện pháp tự vệ có xu hướng giảm

Trong giai đoạn từ năm 1995-2023, số lượng các vụ điều tra về tự vệ thương mại cao nhất mà các quốc gia tiến hành là vào năm 2002 và năm 2019 với lần lượt 35 và 30 vụ. Riêng giai đoạn 2019-2022, số lượng vụ điều tra về tự vệ có xu hướng giảm xuống chỉ còn 4 vụ vào năm 2022, tuy nhiên đến năm 2023, số lượng vụ việc điều tra tự vệ đã tăng trở lại với 12 vụ việc điều tra. Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Thổ Nhĩ Kỳ, U-crai-na, Phi-líp-pin, Chile là những quốc gia có tổng số vụ điều tra về tự vệ nhiều nhất, chiếm hơn 48,3% tổng số vụ điều tra ghi nhận được. Đặc biệt, trong năm 2023, In-đô-nê-xi-a là quốc gia có nhiều vụ điều tra về tự vệ nhất trong tổng số 12 vụ; tiếp đến là Ma-đa-ga-xca với 4 vụ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Phi-líp-pin lần lượt ghi nhận 1 vụ việc.
 
Cùng với xu hướng giảm từ các vụ điều tra, thì số lượng các vụ việc bị áp dụng biện pháp tự vệ cũng giảm theo các năm. Lũy kế đến năm 2023, có tổng số 213 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ của các thành viên. Năm 2023 số vụ áp dụng biện pháp tự vệ tăng 6 vụ, gấp 3 lần năm 2022 do số lượng vụ điều tra về tự vệ thương mại tăng so với năm 2022.
 
Nhóm quốc gia dẫn đầu về các vụ việc áp dụng tự vệ gồm: In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Phi-líp-pin, Chi-lê; chiếm tỉ lệ 42,7% trên tổng số các thành viên WTO áp dụng tự vệ thương mại giai đoạn từ năm 1995- 2023. Trong số 6 vụ việc áp dụng biện pháp tự vệ của năm 2023, Ma-đa-gát-sca có 3 vụ việc, Ấn Độ có 2 vụ việc và Tuy-ni-si-a có 1 vụ việc.
 
Các thành viên G20 không khởi xướng điều tra mới vụ việc tự vệ trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022. In-đô-nê-xi-a vẫn là nước khởi xướng và áp dụng biện pháp tự vệ nhiều nhất trong khối G20, lần lượt là 09 và 08 biện pháp.

Theo báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại. Riêng trong năm 2023, đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng ngoài các vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ...
 
Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với 59 vụ việc, chiếm khoảng gần 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2023, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 7 vụ việc, trong đó có 4 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 2 vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm, chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Canada đã điều tra 18 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Liên minh châu Âu (EU) điều tra 01 vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mới với thép không gỉ cán nguội và tiếp tục rà soát việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam.
 
Tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 18 vụ việc chống bán phá giá, 01 vụ việc chống trợ cấp, 06 vụ việc tự vệ và 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại./.
Minh Hà


Trang chủ Candy Bonanza Entertainment